Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Quảng Ninh tạm dừng dự án Khu biệt thự đồi Thủy Sản của Công ty Cổ phần 577

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 3/5 Thường trực Tỉnh ủy đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo một số dự án triển khai chậm tiến độ trên địa bàn TP Hạ Long, trong đó có dự án Khu biệt thự đồi Thủy Sản của Công ty Cổ phần 577.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất yêu cầu tạm dừng dự án Khu biệt thự đồi Thủy Sản để hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án, nhất là thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do đã hết hạn.

Đồng thời để đảm bảo phương thức đầu tư, xây dựng theo hướng mỹ quan công trình và cảnh quan bên bờ Vịnh Hạ Long, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh rà soát lại các thủ tục liên quan đến chủ trương, quy hoạch và dự án đầu tư, trên nguyên tắc phải thi công đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình, nhà ở thô hoặc hoàn thiện mới được chuyển giao cho tổ chức và cá nhân thứ cấp (không phân lô bán nền).

Hiện tại, Khu biệt thự đồi Thủy Sản của Công ty Cổ phần 577 đã triển khai san tạm mặt bằng dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở, gây ngập lụt, Thường trực Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo Nhà đầu tư khẩn trương triển khai xây dựng ngay kè chắn đất, gia cố mái taluy, hệ thống thoát nước tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhất là đối với khu vực giáp cầu vượt Cái Lân, đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa bão 2017.

Được biết, Khu Biệt thự đồi Thủy sản được xây dựng tại phường Bãi Cháy, Tp.Hạ Long, do Công ty Cổ phần Đầu tư 577 làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 12 ha, được chính thức khởi công vào đầu năm 2016, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Đây là dự án nằm trong khu vực trung tâm của Tp.Hạ Long, trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 18. Chân dự án có liên quan đến 100 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp từ dự án.

Lan Nhi

Theo Trí thức trẻ/UBND Tỉnh Quảng Ninh

Hà Nội: Nhiều sai phạm tại dự án Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm

Chung cư Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty Cổ phần phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng từ 9/2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hạng mục thuộc dự án vẫn chưa hoàn thiện.

Theo phản ánh của các cư dân, căn cứ hợp đồng mua bán, thời hạn bàn giao nhà cho khách hàng quý 4/2015, thời gian bàn giao thực tế chậm nhất không quá 180 ngày so với thời gian bàn giao dự kiến, tức không quá ngày 30/6/2016. Tuy nhiên, đến tháng 9/2016, Vietradico đã gửi thông báo bàn giao nhà của Vietradico dù tòa nhà chưa hoàn thiện.

“Do bức xúc về chỗ ở, nên dù tòa nhà chưa hoàn thiện, chúng tôi vẫn buộc lòng phải chuyển về đây sinh sống với hy vọng Vietradico sẽ gấp rút hoàn thiện tòa nhà đúng cam kết. Nhưng đến nay đã hơn nửa năm, hơn 400 hộ dân sinh sống tại đây luôn phải sống chung với công trường với nỗi lo lắng mất an toàn khi hàng ngày việc thi công trong tòa nhà, tầng hầm vẫn tiếp diễn”, đại diện cư dân bức xúc nói.

Đặc biệt, cư dân còn bức xúc khi đã có hơn 400 hộ dân trên tổng số hơn 600 căn hộ của dự án về ở hơn nửa năm nay nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) chưa được nghiệm thu bàn giao vận hành theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, những giấy tờ như: Văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC của Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy; Văn bản chấp thuận công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (quy định tại Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình)... đều chưa có.

“Nếu không may có một đám cháy xuất hiện tại chung cưGolden West, mà hệ thống PCCC chưa nghiệm thu thì hậu quả sẽ như thế nào? Tính mạng của cư dân chúng tôi sẽ ra sao trước sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chủ đầu tư?”, cư dân lo lắng đặt câu hỏi.

Mặt khác, cư dân còn bức xúc hơn khi chủ đầu tư Vietradico đứng trước dấu hiệu sai phạm về tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng về hạng mục hành lang, ô thoáng.

Cụ thể, theo các cư dân thì thiết kế được duyệt vào năm 2014, dự án Golden West được thiết kế có 58 ô thoáng nằm rải rác ở các tầng tòa nhà. Nhưng tới nay, Vietradico đã cố tình đổ kín sàn bê tông ô thoáng các tầng với mục đích biến ô thoáng thành căn hộ để bán.

Sai phạm này của Vietradico từng được nêu rõ trong Công văn 4054/SXD-TTr ngày 23/5/2016 của Sở Xây dựng Hà Nội. Dự án bị đình chỉ thi công, xử phạt 90 triệu đồng vì vi phạm sai thiết kế công trình. Sau đó, Vietradico ra Công văn 0608/2016 /CV-CT ngày 8/6/2016 cam kết giữ toàn bộ các ô thoáng làm tiện ích sinh hoạt chung của tòa nhà.

Theo quan sát của PV, các ô thoáng chưa được sử dụng, có ô thì đang được vận chuyển gạch vào để xây dựng, có ô thoáng làm cửa khóa chặt, có ô thoáng dùng gỗ ép làm tường ngăn tạm ở lối hành lang, đa số các ô thoáng này phía ban công bỏ trống chưa làm lan can tiềm ẩn nguy hiểm.

Ngoài ra, cư dân còn “tố” Vietradico hiện đã cho thuê mặt bằng hầm B1 làm rạp chiếu phim và sắp tới họ còn có ý định cho thuê mặt bằng hầm B1 để mở gara sửa chữa ô tô…

Trước những bức xúc này, cư dân đã bầu ra ban đại diện và đã nhiều lần gửi đơn đề nghị chủ đầu tư trả lời, muốn được đối thoại với cư dân nhưng chủ đầu tư vẫn “im lặng”.

Được biết dự án “Xây dựng Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng và siêu thị” (hay còn gọi dự án Golden West) được xây dựng tại ô đất 2.5HH đường Lê Văn Thiêm (số 2 Lê Văn Thiêm), quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Dự án này tiền thân là của Tổng Công ty Cơ khí xây dựng COMA sau đó đến ngày 20/01/2015, COMA và Công ty CP Phát triển Thương mại Việt Nam (Vietradico) mới ký kết Hợp đồng số 000073.2015 /HĐCN về việc chuyển nhượng toàn bộ Dự án “Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng và siêu thị” (Golden West) tại ô đất 2.5 HH đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Từ đây, Vietradico là Chủ đầu tư mới của dự án vàng này.

Theo Khánh An

VnMedia

Không hạ giá bán, bằng cách này các chủ đầu tư đang đẩy thanh khoản của các dự án tăng cao

BĐS bước vào giai đoạn dồi dào nguồn cung cũng là thời điểm các chủ đầu tư phải tìm hướng đi khác biệt để tạo ưu thế trên thị trường. Quan sát gần đây cho thấy, ngoài cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm hiện nay thị trường cũng đang chứng kiến làn sóng các chủ đầu tư cạnh tranh bằng hình thức thanh toán, hỗ trợ lãi suất 0% để tăng thanh khoản của dự án.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam đánh giá, khách hàng ngày càng thông minh hơn, nên nếu muốn đạt được kết quả kinh doanh tốt, các chủ đầu tư phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình từ khâu thiết kế, tiện ích, giá bán và đặc biệt là phương thức thanh toán…

Cùng quang điểm với bà Dung, ông Ngô Quang Phúc – Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land cũng nhìn nhận, hạn chế lớn nhất của người trẻ là số tiền tích lũy ban đầu còn ít. Nhưng ưu điểm của họ lại là những người rất giàu có. Đó là giàu có về sức khoẻ, tri thức và tiềm năng phát triển. Đây là những giá trị tín chấp mà giới trẻ có được.

"Chính vì thế, phương thức thanh toán linh hoạt, giãn thời gian thanh toán, hỗ trợ lãi suất 0% hoặc thậm chí trả chậm 1%/tháng sẽ giúp người trẻ có nhiều cơ hội mua nhà, kích cầu bất động sản, đặc biệt là nhà ở phân khúc tầm trung", ông Phúc nhấn mạnh.

Điểm qua thị trường có thể thấy không chỉ những BĐS mua để ở được chủ đầu tư ưu đãi về chính sách thanh toán mà ngay cả những dự án BĐS nghỉ dưỡng tầm trung cũng đang được chủ đầu tư ưu ái như một biện pháp kích cầu. Và rất dễ nhận thấy những dự án có chính sách thanh toán linh hoạt đang có thanh khoản khá tốt trên thị trường.

Có thể kể đến như dự án Gelexia Riverside (Hoàng Mai, Hà Nội) trong lễ ra mắt nhà mẫu dự án đầu tháng 5, chủ đầu tư đã công bố số lượng các căn hộ bán được tại dự án đã lên tới hơn 1.000 căn sau chưa đầy nửa năm ra mắt thị trường. Chính sách hỗ trợ vay lãi suất 0% trong 18 tháng và ân hạn nợ gốc 12 tháng, thời gian vay vốn lên đến 20 năm cùng 8 đợt thanh toán linh hoạt được xem là lực đẩy chính giúp thanh khoản của Gelexia Riverside tăng cao.

Cũng thuộc phân khúc BĐS tầm trung và có tiến độ thanh toán khá linh hoạt dự án Him Lam Phú An (Quận 9, TPHCM) cũng ghi nhận thanh khoản vượt trội. Trong buổi mở bán cuối tháng 4 đã ghi nhận 236/238 căn hộ Block D được mua hết. Sau 3 đợt mở bán, 3 Block A,C,D được bán hết và hiện tại dự án chỉ còn lại 308 căn Block B. Được biết, hiện nay tiến độ Him Lam Phú An đã vươn đến tầng 11 và dự kiến bàn giao trong năm 2018.

Trong khi các dự án khác chật vật tìm khách thì Him Lam Phú An lại có tốc độ bán hàng vượt trội là nhờ vào chính sách thanh toán vô cùng đặc biệt. Theo đó, người mua chỉ phải trả 45% cho đến khi nhận nhà trong thời gian 2 năm, 50% giá trị căn hộ còn lại được trả chậm tiếp trong 4 năm sau khi đã nhận nhà. Do vậy, tổng thời gian trả lên đến 6 năm (72 tháng) và được chia nhỏ trả chậm 1%/tháng (tương đương 15 -18 triệu đồng/tháng).

Giãn tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất 0% cho khách hàng không chỉ được các dự án căn hộ chung cư áp dụng mà ngay đến các sản phẩm BĐS đầu tư cũng đã được chủ đầu tư chú trọng. Đặc biệt đối với các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng tầm trung căn hộ khách sạn - condotel.

Có thể kể đến như dự án căn hộ Ariyana Smart Condotel Nha Trang được chủ đầu tư khá chú trọng đến việc hỗ trợ khách hàng trong thanh toán. Những khách hàng không dư dả về mặt tài chính nhưng có nhu cầu đầu tư sẽ được áp dụng chính sách thanh toán 1%/tháng cho đến khi nhận nhà, hỗ trợ vay đến 70%, lãi suất 0% trong 18 tháng, ân hạn nợ gốc đến 24 tháng. Còn nếu khách hàng thanh toán ngay 98% sẽ được nhận chiết khấu lên đến 9%. Được biết, Ariyana Smart Condotel chuẩn bị cất nóc vào giữa tháng 5 và bàn giao căn hộ vào cuối năm nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu trước kia hiếm hoi lắm mới có dự án hỗ trợ lãi suất 0% cho khách hàng mua nhà thì hiện nay tình trạng này diễn ra rất nhiều từ dự án tầm trung cho đến những BĐS cao cấp. Chính sách ưu đãi lãi suất cùng thanh toán linh hoạt theo tháng đã giãn đáng kể áp lực đóng tiền cho người mua nhà giúp cơ hội sở hữu căn nhà mơ ước, thậm chí có hội đầu tư mở rộng hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dù biết chính sách thanh toán tốt sẽ kích cầu rất lớn trong việc bán hàng nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng có thể làm được. Chỉ những chủ đầu tư mạnh về tài chính mới có thể cam kết hỗ trợ lãi suất 0% cho khách mua nhà, thậm chí giãn tiến độ đóng tiền rất dài cho khách hàng.

"Thực tế, các ngân hàng không thể dùng tiền của mình để cho vay không lợi nhuận, các chương trình cho vay này chỉ áp dụng với các dự án có sự hợp tác với chủ đầu tư. Theo đó, các chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm gánh một phần chi phí lãi vay cho khách hàng khi cam kết hỗ trợ lãi suất 0%. Bên cạnh đó, đây cũng là một chiêu marketing hiệu quả trong bối cảnh người mua nhà đang cân nhắc rất lớn về lãi suất cho vay mua nhà hiện đang giao động từ 7-10%/năm tại các ngân hàng thương mại, đồng thời sẽ tránh từ “giảm giá” dự án", một chuyên gia trong ngành nhận định.

Nam Anh

Theo InfoNet

Lo số nợ 300 triệu USD, chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng “cầu cứu” Thủ tướng

Theo VIDIFI, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không được bố trí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ gây khó khăn rất lớn cho vấn đề tài chính, thậm chí phá vỡ phương án tài chính dự án.

Gửi kiến nghị tới Hội nghị giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp sắp diễn ra trong tháng 5 này, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) kỳ vọng Chính phủ, các bộ ngành có liên quan giải quyết sớm việc tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

VIDIFI cho biết, tổng các khoản vay nước ngoài của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 300 triệu USD, bao gồm 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức.

Liên quan đến khoản vay này, theo chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Tài chính đã có văn bản số 1626/BTC-QLN ngày 14/11/2016 xin ý kiến các bộ ngành liên quan về dự thảo cơ chế chuyển đổi, hỗ trợ đối với nguồn vay nước ngoài đầu tư cho dự án.

Theo đó VIDIFI chịu trách nhiệm trả nợ lãi, việc trả nợ gốc được bố trí bằng vốn ngân sách qua Bộ Giao thông vận tải được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, ngày 13/1/2017, Bộ Kế hoạch và đầu tư có ý kiến tại văn bản số 348/BKHĐT-KTĐN chưa thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính.

Bộ này cho rằng, nhiều cơ quan chủ quan trong đó có Bộ Giao thông vận tải hiện đang gặp khó khăn trong cân đối kế hoạch vốn nước ngoài… Do đó, đề xuất đưa các hợp phần được thực hiện bằng vốn vay Hàn Quốc và Đức trong dự án vào kế hoạch đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải út có cơ sở để trí được vốn.

Do vậy hiện nay, thủ tục tái cơ cấu đối với khoản vay nước ngoài 300 triệu USD của dự án vẫn chưa được thực hiện.

Cũng theo VIDIFI, tại báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án ngày 20/1/2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện Quyết định số 746/QQĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

“Hiện nay, các chỉ tiêu tài chính thực tế tương đối sát với dự kiến trong phương án tài chính cập nhật của dự án được Bộ Giao thông vận tải rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa được thự hiện (bao gồm khoản hỗ trợ chi phí GPMB của dự án khoảng 4.069 tỷ đồng, tài cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD)”, VIDIFI cho biết.

Theo doanh nghiệp này, nếu phần hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án không được bố trí vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ gây khó khăn rất lớn cho vấn đề tài chính, thậm chí phá vỡ phương án tài chính dự án.

Hiện nay, số thu phí từ 2 tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng/ngày, lãi vay phải trả khoảng 8 tỷ đồng/ngày, số tiền hụt là 2,5 tỷ đồng/ngày (khoảng 900 tỷ/năm), lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành tuyến đường cao tốc.

Theo VIDIFI, do số vốn đã cho vay dự án chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nếu các khoản hỗ trợ không được cấp theo Quyết định 746/QĐ-TTg sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Ngân hàng này.

VIDIFI cho biết, là một trong những doanh nghiệp đi đầu về hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không được cấp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP mà Chính phủ đang quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt là chủ trương thu hút doanh nghiệp vào đâif tư dự án đường cao tốc Bắc – Nam.

Dự án đã có các nhóm nhà đầu tư nước ngoài từ Ấn Độ, công ty tư vấn đầu tư từ Úc quan tâm, xúc tiến chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, nếu các hỗ trợ của Nhà nước không được thực hiện sẽ không chỉ ảnh hưởng đến dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hạ tầng nhà nước đang khuyến khích.

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5 km, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, có 6 trạm thu phí.

Theo báo cáo của Vidifi, lưu lượng xe trên đường bình quân năm 2016 đạt 20.000-25.000 lượt xe/ngày đêm, thời điểm đầu tháng 3/2017 đạt 28.000 lượt xe/ngày đêm.

Lưu lượng tham gia giao thông trên cao tốc hiện chiếm khoảng 50% tổng lưu lượng giao thông tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Được xem là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, dự kiến, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ mãn tải vào sau 18 năm khai thác.

Theo N.Mạnh

BizLIVE

Bờ tả sông Sài Gòn đoạn qua quận Thủ Đức sẽ thay đổi hoàn toàn sau quyết định này của TPHCM

Theo văn phòng UBND TPHCM, UBND TP.HCM vừa giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thực hiện dự án đầu tư xây dựng 4km đê bao xung yếu tại khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn.

Cụ thể, đoạn 1 thuộc khu vực ký túc xá trường Đại học Mỹ thuật, dài khoảng 350m với điểm đầu cách rạch Gò Dưa về phía thượng lưu 1000m và điểm cuối cách rạch Gò Dưa về phía thượng lưu 650m.

Đoạn 2 thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 332m với điểm đầu là ranh Công ty May Sài Gòn 3 và điểm cuối là ranh dự án Sông Đà.

Đoạn 3 thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 77m với điểm đầu là cầu Bình Phước và điểm cuối là ranh Nhà máy đay INDIRA GRANDI.

Đoạn 4 thuộc khu vực đình Bình Phước, ngã ba Rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn, khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 500m với điểm đầu cách cầu Bình Phước về phía hạ lưu 150m và điểm cuối cách cầu Bình Phước về phía hạ lưu 650m.

Để đảm bảo tính đồng bộ toàn tuyến bờ tả sông Sài Gòn từ cầu Vĩnh Bình đến rạch Cầu Ngang, Sở Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu phương án kiên cố hóa hoàn chỉnh toàn tuyến đê bao thuộc bờ tả ven sông Sài Gòn.

Trước đó, ngày 6-4, tin từ Sở TN&MT TP.HCM cho hay đơn vị này vừa trình UBND TP xem xét quyết định phương án thu hồi đất để thực hiện dự án bờ tả sông Sài Gòn. Dự án do trung tâm chống ngập làm chủ đầu tư. Tuyến đê kè dọc bờ tả sông Sài Gòn được tính từ rạch Cầu Ngang (quận Thủ Đức) đến khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2).

Theo phương án đề xuất của Sở TN&MT, đoạn đi qua địa bàn quận 2 phải thu hồi hơn 43.300 m2 đất. Khu vực bị ảnh hưởng gồm phường Thảo Điền, An Phú và Bình An. Số liệu khảo sát ban đầu ở địa bàn quận 2 cho thấy có khoảng 35 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án làm đê kè dọc sông. Trong đó có 17 hộ gia đình và 18 tổ chức.

Tại địa bàn quận Thủ Đức, dự kiến thu hồi hơn 4.200 m2 đất. Khu vực thu hồi đất được xác định thuộc địa bàn phường Trường Thọ.

Sở TN&MT đề xuất UBND TP ủy quyền cho UBND quận 2 và UBND quận Thủ Đức thực hiện công tác thu hồi, bồi thường và tái định cư theo quy định.

Lan Nhi

Theo Trí thức trẻ/UBND TPHCM

Tòa nhà 50 tầng dự án Usilk City được phép chuyển nhượng cho Hải Phát

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ-UBND, cho phép Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án Usilk City cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô.

Theo đó, đây là tòa CT2-105 thuộc dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (Tòa CT2-105 thuộc lô đất CT2) tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội (Dự án Usilk City).

Diện tích lô đất chuyển nhượng là 10.675m2 tính theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 495725 do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp ngày 08/4/2010 cho lô đất CT2 và Biên bản bàn giao mốc giới, mặt bằng khu đất Tòa nhà CT2-105 ký ngày 29/9/2015 giữa Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô.

Diện tích xây dựng công trình là 4.306m2, gồm 1 khối nhà 50 tầng và phần diện tích tầng hầm nằm trong phạm vi lô đất chuyển nhượng. Tổng mức đầu tư của phần dự án: 1.510tỷ đồng, trong đó vốn tự có chiếm 20% tổng mức đầu tư và vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác chiếm 80%.

Từ khi ký hợp đồng với Sông Đà Thăng Long hồi tháng 10/2015 đến nay, Hải Phát Thủ đô đã triển khai thi công công trình, đến nay đã cất nóc và đang hoàn thiện tòa nhà. Dự kiến sẽ hoàn thành công trình và sân vườn, cảnh quan vào quý I/2018 và quý II/2018 sẽ hoàn thành nghiệm thu công trình, đưa vào khai thác sử dụng và bàn giao nhà cho khách hàng.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty CP Sông Đà Thăng Long có trách nhiệm phối hợp với CTCP Hải Phát Thủ đô giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên có liên quan đối với phần dự án chuyển nhượng theo đúng nội dung đã cam kết. Trường hợp khách hàng hoặc các bên có liên quan có ý kiến về quyền lợi của mình liên quan đến dự án thì Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án.

Bình An

Theo Trí thức trẻ

Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ thanh tra hàng loạt dự án bất động sản

Loạt dự án bất động sản bị Bộ Tài chính đề nghị thanh tra gồm khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan, 1141 Giải Phóng, dự án Pandora 53 Triều Khúc, dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng...

Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, tuy nhiên việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hoá nhưng không thực hiện đấu giá khi cổ phần hoá.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Để chấn chỉnh, xử lý các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư.

Danh sách tổng hợp này bao gồm nhiều dự án lớn trên cả nước như: Riva Park tại 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4, TPHCM), khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan và 1141 Giải Phóng (Hà Nội), dự án Pandora 53 Triều Khúc (Hà Nội), dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng...

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.

Được biết, trong tháng 6 tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ có báo cáo Thủ tướng về việc kiểm tra, xử lý các dự án bất động sản trên cả nước.

Mới đây đoàn thanh tra liên ngành của thành phố Hà Nội vừa tổ chức thanh tra, kiểm tra ngẫu nhiên 50 dự án bất động sản, kết quả là có tới 38 dự án có sai phạm về quy hoạch và xây dựng.

Các sai phạm phổ biến là xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, vượt diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng… Trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành và đưa người dân vào sử dụng ổn định trong thời gian dài.

Trước những sai phạm này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan công khai các dự án vi phạm quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đề xuất phương án kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư vi phạm được tham gia đầu tư dự án mới.

Lan Nhi

Theo Trí thức trẻ

Lộ diện nhiều "tay chơi" mới rót nghìn tỷ vào địa ốc, doanh nghiệp ngoài ngành lại lao vào bất động sản

Trong khi có nhiều doanh nghiệp địa ốc đang "than thở" thị trường có nhiều khó khăn, thực hiện chiến lược đầu tư cầm chừng, thì ngược lại nhiều doanh nghiệp trái ngành như thủy sản, nông nghiệp, giao thông lại quyết lập công ty có vốn điều lệ cả nghìn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án BĐS.

Xu hướng này có thể thấy qua mùa ĐHCĐ thường niên năm 2017 của các doanh nghiệp vừa qua.

"Ông lớn" ngành xây dựng lấn "sân chơi" đầu tư địa ốc

Trong mua ĐHCĐ thường niên 2017, nhiều "ông lớn" ngành xây dựng công bố kế hoạch lớn và tham vọng trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án BĐS lớn. Đơn cử như Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) - doanh nghiệp có tiếng trong ngành cầu đường với nhiều dự án BT, tuyến đường trên cao... Trước mắt, trong năm 2017 này, CII sẽ thành lập công ty CP CII Land để hiện thức hóa chiến lược đầu tư hai dự án cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Công CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cũng đã lập công ty con chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản có tên là Công ty TNHH Convestcons. Theo đó, vốn điều lệ của Convestcons dự kiến khoảng 26 tỷ đồng. Công ty được phân nhiệm vụ thực hiện kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là môi giới bất động sản (bao gồm tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất) và kinh doanh BĐS (bao gồm kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất, thuộc chủ sở hữu hoặc đi thuê).

Ông Vũ Duy Lam, Giám đốc Đầu tư CTD, cho biết, “Chúng tôi nhìn nhận rằng không phải năm nào thị trường bất động sản cũng tăng trưởng tốt. Do đó, CTD đang muốn đi trước một bước, đang tranh thủ lúc thị trường đang còn tốt, dùng nguồn lực đầu tư để có được nguồn thu lâu dài, ổn định”.

Song song đó, cũng tuyên bố tại ĐHCĐ 2017, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty CP Tasco (mã HUT) cho biết định hướng phát triển trong 5 năm tới của Công ty tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư bất động sản; đầu tư y tế và công nghệ.

Về đầu tư bất động sản, ông Dũng cho biết sẽ lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư để đầu tư bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Hiện Công ty đang thực hiện dự án nhà ở Bộ Ngoại giao 48 Trần Duy Hưng. Dự án này có doanh thu là trên 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, Tasco tập trung chiến lược mua lại đất, làm nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư về bất động sản ở Hà Nội và các thành phố lớn. Công ty định vị lợi nhuận nhất định ở mức 25-30%. “Chúng tôi làm xong là bán chứ không kỳ vọng lớn quá. Vừa qua nhiều nhà đầu tư lao đao, bản thân Tasco rất khó khăn nên qua đó chúng tôi rút kinh nghiệm đó là bán được là bán, không tích tụ, không om hàng”, ông Dũng chia sẻ.

Không chỉ Tasco, mới đây Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) cũng thông báo sẽ chuyển hướng sang đầu tư bất động sản.

Tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 22/4 vừa qua, Cienco 4 đã công bố giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An). Cienco 4 mới thành lập Công ty cổ phần Green Tea Islands và ủy thác cho Green Tea Islands thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau.

Doanh nghiệp ngoài ngành lại lao vào "cuộc chơi"

Không chỉ những doanh nghiệp trong ngành xây lắp lấn sân sang đầu tư các dự án BĐS, mà thị trường còn chứng kiến nhiều cái tên ngoài ngành còn lạ lẫm. Đơn cử nhưCông ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn công bố, sẽ rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP.HCM).

Tại ĐHCĐ của CP Thủy sản Hùng Vương (HVG), lãnh đạo công ty này khẳng định rằng hiện công ty đang sở hữu một quỹ đất khá lớn để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" vào lĩnh vực BĐS trong năm nay, với 10ha đất ở KCN Tân Tạo dự kiến xây nhà kho sản xuất; Dự án tại quận 6 không bán cho đối tác dù được trả giá 550 tỷ mà dự kiến sẽ rót vốn đầu tư dự án trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp để gia tăng giá trị tài sản.

Một bất ngờ khác, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017, trong đó nhắm vào chiến lược đầu tư và khai thác một số dự án khách sạn. Hiện Tracodi đã thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp và văn phòng (Tòa nhà Bamboo Prince Court) tại số 89 Cách mạng Tháng 8, Quận 1, TP.HCM. Diện tích dự án dự kiến là 2,328 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng.

Theo HĐQT Tracodi, do tài chính dự án quá lớn so với năng lực tài chính của Tracodi, nên để tránh rủi ro, HĐQT trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT cân nhắc, lựa chọn đối tác hợp tác có năng lực tài chính và kinh nghiệm khai thác bất động sản cùng góp vốn xây dựng tòa nhà này. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm 2017 hoặc trong năm 2018 tùy vào tình hình tài chính công ty.

Là một công ty có thế mạnh về kinh doanh dây cáp, thiết bị ngành điện, tuy nhiên tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 mới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2017 với cuộc chuyển hướng là "bám" theo lĩnh vực đầu tư - kinh doanh BĐS. Theo đó, SAM kỳ vọng doanh thu đạt 2,531 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 192% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, mảng dây và cáp vẫn chiếm vị thế quan trọng, đạt lần lượt 71% tổng doanh thu và 67% tổng lợi nhuận theo kế hoạch.

Riêng mảng bất động sản, SAM đặt kế hoạch doanh thu 606 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo HĐQT công ty, chỉ tiêu kế hoạch đề ra để Ban điều hành cố gắng chứ có thể vẫn tiếp tục lỗ trong năm 2017. Mặc dù vậy, mạnh mảng bất động sản sẽ là một trong hai mảng kinh doanh chủ lực của Công ty trong năm 2017. Cụ thể, Samland sẽ nhắm đến hai phân khúc nhà chung cư và du lịch nghỉ dưỡng, trong đó mảng chung cư Công ty dự kiến triển khai tại những thành phố lớn như TP.HCM hay TP. Hà Nội.

Cùng với đó, một công ty có thế mạnh về điện lạnh nhưng đóng góp doanh thu và lợi nhuận cao nhất năm 206 cho Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) lại là... BĐS! Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 vừa được công bố tại ĐHĐCĐ mới đây, REE đặt mục tiêu tổng doanh thu 4.631 tỷ đồng, tăng 26,1% so với doanh thu đạt được năm 2016; trong đó riêng doanh thu từ REE M&E khoảng 2.000 tỷ đồng, bất động sản khoảng 737 tỷ đồng, Reetech 720 tỷ đồng, mảng điện và nước khoảng 616 tỷ đồng.

REE cho biết hiện nay đang triển khai dự án cao ốc văn phòng E.town Central, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2018. Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE cho biết hiện tại dự án cho thuê của tòa nhà E.Town Central đang đi tới giai đoạn hoàn thiện, dự kiến có thể ký 50% diện tích cho thuê trong năm nay. Hiện dự án đã có 5 - 6 khách đặt vấn đề cần thuê 3 - 4 tầng lầu.

Thậm chí Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) - một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử cũng bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc. Trong năm 2017, doanh nghiệp này sẽ triển khai một số dự án căn hộ cao cấp tại tỉnh Gia Lai và TP.HCM.

Đăng Khải

Theo Trí thức trẻ