Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Tòa nhà 50 tầng dự án Usilk City được phép chuyển nhượng cho Hải Phát

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1983/QĐ-UBND, cho phép Sông Đà Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án Usilk City cho Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô.

Theo đó, đây là tòa CT2-105 thuộc dự án Khu đô thị mới Văn Khê mở rộng (Tòa CT2-105 thuộc lô đất CT2) tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội (Dự án Usilk City).

Diện tích lô đất chuyển nhượng là 10.675m2 tính theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA 495725 do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp ngày 08/4/2010 cho lô đất CT2 và Biên bản bàn giao mốc giới, mặt bằng khu đất Tòa nhà CT2-105 ký ngày 29/9/2015 giữa Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ đô.

Diện tích xây dựng công trình là 4.306m2, gồm 1 khối nhà 50 tầng và phần diện tích tầng hầm nằm trong phạm vi lô đất chuyển nhượng. Tổng mức đầu tư của phần dự án: 1.510tỷ đồng, trong đó vốn tự có chiếm 20% tổng mức đầu tư và vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác chiếm 80%.

Từ khi ký hợp đồng với Sông Đà Thăng Long hồi tháng 10/2015 đến nay, Hải Phát Thủ đô đã triển khai thi công công trình, đến nay đã cất nóc và đang hoàn thiện tòa nhà. Dự kiến sẽ hoàn thành công trình và sân vườn, cảnh quan vào quý I/2018 và quý II/2018 sẽ hoàn thành nghiệm thu công trình, đưa vào khai thác sử dụng và bàn giao nhà cho khách hàng.

UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty CP Sông Đà Thăng Long có trách nhiệm phối hợp với CTCP Hải Phát Thủ đô giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên có liên quan đối với phần dự án chuyển nhượng theo đúng nội dung đã cam kết. Trường hợp khách hàng hoặc các bên có liên quan có ý kiến về quyền lợi của mình liên quan đến dự án thì Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án.

Bình An

Theo Trí thức trẻ

Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ thanh tra hàng loạt dự án bất động sản

Loạt dự án bất động sản bị Bộ Tài chính đề nghị thanh tra gồm khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan, 1141 Giải Phóng, dự án Pandora 53 Triều Khúc, dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng...

Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, tuy nhiên việc xác định giá trị doanh nghiệp không tính giá trị quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để cổ phần hoá nhưng không thực hiện đấu giá khi cổ phần hoá.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.

Để chấn chỉnh, xử lý các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017. Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư.

Danh sách tổng hợp này bao gồm nhiều dự án lớn trên cả nước như: Riva Park tại 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4, TPHCM), khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan và 1141 Giải Phóng (Hà Nội), dự án Pandora 53 Triều Khúc (Hà Nội), dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng...

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.

Được biết, trong tháng 6 tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ có báo cáo Thủ tướng về việc kiểm tra, xử lý các dự án bất động sản trên cả nước.

Mới đây đoàn thanh tra liên ngành của thành phố Hà Nội vừa tổ chức thanh tra, kiểm tra ngẫu nhiên 50 dự án bất động sản, kết quả là có tới 38 dự án có sai phạm về quy hoạch và xây dựng.

Các sai phạm phổ biến là xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, vượt diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong toà nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ, chưa hoàn thiện hồ sơ về quy hoạch, xây dựng… Trong đó, nhiều dự án đã hoàn thành và đưa người dân vào sử dụng ổn định trong thời gian dài.

Trước những sai phạm này, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan công khai các dự án vi phạm quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đề xuất phương án kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư vi phạm được tham gia đầu tư dự án mới.

Lan Nhi

Theo Trí thức trẻ

Lộ diện nhiều "tay chơi" mới rót nghìn tỷ vào địa ốc, doanh nghiệp ngoài ngành lại lao vào bất động sản

Trong khi có nhiều doanh nghiệp địa ốc đang "than thở" thị trường có nhiều khó khăn, thực hiện chiến lược đầu tư cầm chừng, thì ngược lại nhiều doanh nghiệp trái ngành như thủy sản, nông nghiệp, giao thông lại quyết lập công ty có vốn điều lệ cả nghìn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án BĐS.

Xu hướng này có thể thấy qua mùa ĐHCĐ thường niên năm 2017 của các doanh nghiệp vừa qua.

"Ông lớn" ngành xây dựng lấn "sân chơi" đầu tư địa ốc

Trong mua ĐHCĐ thường niên 2017, nhiều "ông lớn" ngành xây dựng công bố kế hoạch lớn và tham vọng trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án BĐS lớn. Đơn cử như Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) - doanh nghiệp có tiếng trong ngành cầu đường với nhiều dự án BT, tuyến đường trên cao... Trước mắt, trong năm 2017 này, CII sẽ thành lập công ty CP CII Land để hiện thức hóa chiến lược đầu tư hai dự án cao cấp tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Công CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cũng đã lập công ty con chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản có tên là Công ty TNHH Convestcons. Theo đó, vốn điều lệ của Convestcons dự kiến khoảng 26 tỷ đồng. Công ty được phân nhiệm vụ thực hiện kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là môi giới bất động sản (bao gồm tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất) và kinh doanh BĐS (bao gồm kinh doanh BĐS, quyền sử dụng đất, thuộc chủ sở hữu hoặc đi thuê).

Ông Vũ Duy Lam, Giám đốc Đầu tư CTD, cho biết, “Chúng tôi nhìn nhận rằng không phải năm nào thị trường bất động sản cũng tăng trưởng tốt. Do đó, CTD đang muốn đi trước một bước, đang tranh thủ lúc thị trường đang còn tốt, dùng nguồn lực đầu tư để có được nguồn thu lâu dài, ổn định”.

Song song đó, cũng tuyên bố tại ĐHCĐ 2017, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty CP Tasco (mã HUT) cho biết định hướng phát triển trong 5 năm tới của Công ty tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư bất động sản; đầu tư y tế và công nghệ.

Về đầu tư bất động sản, ông Dũng cho biết sẽ lấy năng lực lõi là chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đầu tư để đầu tư bất động sản theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Hiện Công ty đang thực hiện dự án nhà ở Bộ Ngoại giao 48 Trần Duy Hưng. Dự án này có doanh thu là trên 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Dũng, Tasco tập trung chiến lược mua lại đất, làm nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để đầu tư, tìm kiếm cơ hội đầu tư về bất động sản ở Hà Nội và các thành phố lớn. Công ty định vị lợi nhuận nhất định ở mức 25-30%. “Chúng tôi làm xong là bán chứ không kỳ vọng lớn quá. Vừa qua nhiều nhà đầu tư lao đao, bản thân Tasco rất khó khăn nên qua đó chúng tôi rút kinh nghiệm đó là bán được là bán, không tích tụ, không om hàng”, ông Dũng chia sẻ.

Không chỉ Tasco, mới đây Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) cũng thông báo sẽ chuyển hướng sang đầu tư bất động sản.

Tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 22/4 vừa qua, Cienco 4 đã công bố giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An). Cienco 4 mới thành lập Công ty cổ phần Green Tea Islands và ủy thác cho Green Tea Islands thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau.

Doanh nghiệp ngoài ngành lại lao vào "cuộc chơi"

Không chỉ những doanh nghiệp trong ngành xây lắp lấn sân sang đầu tư các dự án BĐS, mà thị trường còn chứng kiến nhiều cái tên ngoài ngành còn lạ lẫm. Đơn cử nhưCông ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn công bố, sẽ rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP.HCM).

Tại ĐHCĐ của CP Thủy sản Hùng Vương (HVG), lãnh đạo công ty này khẳng định rằng hiện công ty đang sở hữu một quỹ đất khá lớn để chuẩn bị cho cuộc "đổ bộ" vào lĩnh vực BĐS trong năm nay, với 10ha đất ở KCN Tân Tạo dự kiến xây nhà kho sản xuất; Dự án tại quận 6 không bán cho đối tác dù được trả giá 550 tỷ mà dự kiến sẽ rót vốn đầu tư dự án trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp để gia tăng giá trị tài sản.

Một bất ngờ khác, Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017, trong đó nhắm vào chiến lược đầu tư và khai thác một số dự án khách sạn. Hiện Tracodi đã thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp và văn phòng (Tòa nhà Bamboo Prince Court) tại số 89 Cách mạng Tháng 8, Quận 1, TP.HCM. Diện tích dự án dự kiến là 2,328 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 850 tỷ đồng.

Theo HĐQT Tracodi, do tài chính dự án quá lớn so với năng lực tài chính của Tracodi, nên để tránh rủi ro, HĐQT trình cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT cân nhắc, lựa chọn đối tác hợp tác có năng lực tài chính và kinh nghiệm khai thác bất động sản cùng góp vốn xây dựng tòa nhà này. Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm 2017 hoặc trong năm 2018 tùy vào tình hình tài chính công ty.

Là một công ty có thế mạnh về kinh doanh dây cáp, thiết bị ngành điện, tuy nhiên tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 mới đây, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2017 với cuộc chuyển hướng là "bám" theo lĩnh vực đầu tư - kinh doanh BĐS. Theo đó, SAM kỳ vọng doanh thu đạt 2,531 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 106 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 192% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, mảng dây và cáp vẫn chiếm vị thế quan trọng, đạt lần lượt 71% tổng doanh thu và 67% tổng lợi nhuận theo kế hoạch.

Riêng mảng bất động sản, SAM đặt kế hoạch doanh thu 606 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo HĐQT công ty, chỉ tiêu kế hoạch đề ra để Ban điều hành cố gắng chứ có thể vẫn tiếp tục lỗ trong năm 2017. Mặc dù vậy, mạnh mảng bất động sản sẽ là một trong hai mảng kinh doanh chủ lực của Công ty trong năm 2017. Cụ thể, Samland sẽ nhắm đến hai phân khúc nhà chung cư và du lịch nghỉ dưỡng, trong đó mảng chung cư Công ty dự kiến triển khai tại những thành phố lớn như TP.HCM hay TP. Hà Nội.

Cùng với đó, một công ty có thế mạnh về điện lạnh nhưng đóng góp doanh thu và lợi nhuận cao nhất năm 206 cho Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) lại là... BĐS! Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 vừa được công bố tại ĐHĐCĐ mới đây, REE đặt mục tiêu tổng doanh thu 4.631 tỷ đồng, tăng 26,1% so với doanh thu đạt được năm 2016; trong đó riêng doanh thu từ REE M&E khoảng 2.000 tỷ đồng, bất động sản khoảng 737 tỷ đồng, Reetech 720 tỷ đồng, mảng điện và nước khoảng 616 tỷ đồng.

REE cho biết hiện nay đang triển khai dự án cao ốc văn phòng E.town Central, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2018. Bà Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT REE cho biết hiện tại dự án cho thuê của tòa nhà E.Town Central đang đi tới giai đoạn hoàn thiện, dự kiến có thể ký 50% diện tích cho thuê trong năm nay. Hiện dự án đã có 5 - 6 khách đặt vấn đề cần thuê 3 - 4 tầng lầu.

Thậm chí Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) - một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử cũng bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc. Trong năm 2017, doanh nghiệp này sẽ triển khai một số dự án căn hộ cao cấp tại tỉnh Gia Lai và TP.HCM.

Đăng Khải

Theo Trí thức trẻ

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Thêm một Trung tâm thương mại lớn được xây dựng tại Hà Đông

Aeon Mall đã quyết định mở Trung tâm Mua sắm thứ 2 tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) với quy mô khoảng 95.000m2, dự kiến khai trương vào năm 2019.

Hôm nay (10/3), Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với Thành phố Hà Nội về việc hợp tác phát triển môi trường thương mại Thành phố Hà Nội và thúc đẩy phát triển Dự án Trung tâm mua sắm Aeon Mall Hà Đông.

Theo đó, Aeon Mall đã quyết định mở Trung tâm Mua sắm thứ 2 tại khu vực Hà Đông (Hà Nội) với quy mô khoảng 95.000m2, dự kiến khai trương vào năm 2019.

Quận Hà Đông nằm ở phía tây Thành phố Hà Nội, đang được chú trọng đầu tư phát triển hệ thống đường vành đai mở rộng, tuyến xe buýt BRT (hệ thống xe buýt nhanh) đầu tiên tại Việt nam kết nối trung tâm Hà Nội với Quận Hà Đông đã được khai thông và tuyến đường sắt đô thị dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2018, đây cũng là khu vực nổi bật với sức tăng dân số mạnh mẽ tại Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, xung quanh khu vực dự án, có nhiều dự án phát triển nhà ở như các tòa chung cư cao tầng, villa đang triển khai, là nơi có thể kỳ vọng tăng dân số trong tương lai.

Theo Hoàng Nam

Infonet

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Doanh nhân Khaisilk khuyên người mua nhà cần nhớ 8 nguyên tắc vàng

Trên trang cá nhân facebook của mình, doanh nhân Hoàng Khải cho rằng khi mua nhà, nhiều khách hàng không chú ý đến những yếu tố cơ bản nhất như thang máy, chủ đầu tư, hướng nhà, thiết kế...

Trong bối cảnh thị trường BĐS vàng thau lẫn lộn, vậy làm thế nào để khách hàng có thể tìm mua được ngôi nhà chất lượng là điều mà mỗi khách hàng luôn đắn đo khi tìm hiểu một dự án nào đấy.

Theo ông chủ Khaisilk, khi mua nhà, chúng ta phải đo diện tích thực số mét vuông trong nhà bởi vì nó khá chênh lệch so với quảng cáo.

Thứ hai, chúng ta khi chọn nhà phải xem bản thiết kế xem trần nhà có nhiều dầm không bởi có nhiều chủ đầu tư thuê nhà thiết kế kém chất lượng nên số lượng dầm trong một dự án tăng lên rất nhiều.

Thứ ba, phải kiểm tra bản đồ quy hoạch xem trong tuơng lai liệu căn nhà mình mua có nguy cơ bị tòa nhà nào che khuất không bởi một căn nhà khác xây chắn trước mặt có thể khiến căn hộ của chúng ta mất hết tầm nhìn.

Thứ tư, phải xem kỹ hướng nhà. Nếu nhà ở hướng Tây, buổi chiều có mặt trời chiếu vào sẽ khiến nhà bị nóng và tốn điện.

Thứ năm, người mua chung cư nên tìm hiểu cả tốc độ thang máy, vì nếu thang máy tốc độ chậm thì đi lên tầng cao mất rất nhiều thời gian.

Thứ sáu, hỏi xem khung cửa sổ làm bằng chất liệu gì. Theo ông Hoàng Khải, nếu làm bằng chất liệu kém chất lượng thì chỉ sau một thời gian ssử dụng là bị cong vênh, khi ấy nước mưa sẽ thấm vào nhà.

Thứ bảy, hỏi chủ đầu tư xem toà nhà đấy ai là người quản lý, đề phòng trường hợp đơn vị quản lý yếu kém căn nhà nhanh xuống cấp.

Cuối cùng, một điều rất quan trọng là đừng để cho trang trí nội thất của chủ đầu tư đánh lừa thị giác của mình khiến mình nhìn vào thấy đẹp quá là mua.

Đồng quan điểm với ông Khaisilk, ở một góc độc khác ông Ngô Quang Phúc - Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land lại khuyên người mua nhà nếu muốn mua được một dự án chất lượng phải tìm hiểu kỹ chủ đầu tư, đối với những dự án đã hoàn thiện thì phải xem xét dự án từ chính những cư dân đang ở đấy.

"Khách hàng có thể hỏi người dân đang sinh sống ngay dự án đó hoặc lên thăm quan một căn nhà để xem cư dân có hài lòng với dự án của chủ đầu tư này hay không… Tới tận nơi tìm hiểu thông tin là một cách trực quan sinh động nhất sẽ giúp cho mỗi khách hàng không chọn nhầm dự án", ông Phúc cho biết.

Đối với những dự án bán nhà hình thành trong tương lai, ông Phúc khuyên người mua nhà cần tìm hiểu kỹ lịch sử của chủ đầu tư. Khách hàng muốn biết một chủ đầu tư nào đó có tốt hay không thì cần tìm hiểu thêm thông tin về lịch sử kinh doanh của họ, rồi đến trực tiếp các công trình mà họ đã xây dựng và bàn giao để kiểm tra xem chất lượng có ổn định hay không.

"Đối một sản phẩm BĐS, điều quan trọng nhất là ở cái tâm chủ đầu tư. Khi đầu tư một căn hộ chủ đầu tư phải luôn đặt vị trí mình là người đi mua nhà, phải làm sao ngôi nhà mình có thể ở được và hài lòng thì mới bán cho khách hàng. Giá trị này không phải được tạo ra bởi một dự án, hay một sớm một chiều, mà là cả một quá trình và như một sự cam kết", ông Phúc cho hay.

Nguyên Minh

Theo Trí thức trẻ

Đề xuất Khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong trực thuộc Trung ương

Ngày 11/3, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về Đề án xây dựng Khu Hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong và xây dựng Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo Đề án, Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong được định hướng trở thành một trung tâm dịch vụ - du lịch hiện đại mang tầm quốc tế, trung tâm cảng biển nước sâu, đồng thời thu hút các ngành bổ trợ và có điều kiện phát triển, như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế và giáo dục chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao…

Về cơ chế, chính sách, nhà đầu tư được thuê đất với thời hạn tối đa 99 năm và có thể gia hạn, người nước ngoài được phép thuê, mua, chuyển nhượng, sở hữu tài sản tại Đặc khu như công dân Việt Nam, được nhiều ưu đãi về tài chính, xuất nhập cảnh…

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cần có bộ cơ chế, chính sách đặc thù cho các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, có thể vượt khung một số điều luật nhưng không thể trái với Hiến pháp hiện hành.

Nguyễn Đình Quân

Tiền Phong

Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

BĐS Nha Trang sôi động, đất nền vào tầm ngắm của nhà đầu tư

Đất trung tâm thành phố Nha Trang rất đắt đỏ, đặc biệt dọc trục đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng...và thường là các dự án khách sạn, căn hộ condotel. Vì thế, nhu cầu đất nền đô thị ở thị trường này đang hướng về các vùng ven theo quy luật đô thị hoá.

Nha Trang được biết đến là một thị trường sôi động nhất phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng với hàng chục dự án căn hộ condotel bám theo trục đường Trần Phú, cũng như rất nhiều resort 5 sao đã và đang xây dựng ở bãi Dài, Cam Ranh...

Theo ghi nhận từ một số sàn môi giới, thị trường ở đây giao dịch rất sôi động phân khúc này. Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ TP.HCM và Hà Nội. Phần lớn là nhu cầu đầu tư theo chính sách cam kết lợi nhuận 8-10% từ 5 đến 10 năm. Hiệp hội môi giới BĐS Nha Trang cho biết năm qua có tới 7000 sản phẩm condotel được chào bán ra thị trường, cùng hàng trăm căn biệt thự biển.

Cùng với sự bùng nổ của phân khúc nghỉ dưỡng thì quá trình đô thị hoá, cũng như sự phát triển của Nha Trang đang kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng cao. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã nắm bắt cơ hội mua gom đất vùng ven phân lô bán nền hoặc những nhà đầu tư tiềm lực thì tìm kiếm quỹ đất lớn xây các khu đô thị mới để cung cấp nguồn cung ra thị trường.

Hàng loạt các khu đô thị mới được triển khai như Mỹ Gia, Lê Hồng Phong I và II, Hoàng Long, VCN Phước Hải, An Bình Tân, Phước Long…có tới 1.000 sản phẩm được bán ra thị trường.

Theo ghi nhận của nhiều sàn địa ốc, hiện đang có một xu hướng đầu tư mới đó là dòng tiền đang hướng vào các thị trường mới, đô thị lớn như Nha Trang, Đà Nẵng...chứ không chỉ ở Sài Gòn và TP.HCM

Trong đó, đất nền Nha Trang là một trong những thị trường đang diễn ra khá sôi động. Một Giám đốc công ty BĐS ở Nha Trang cho biết, hiện đất nền ven thành phố có giá tầm 8-10 triệu đồng/m2 là mức khá hợp lý cho nhà đầu tư cá nhân. Còn đất trung tâm hiện khá đắt đỏ, chẳng hạn như dự án sân bay Nha Trang cũ có giá từ 45 triệu đồng/m2 đến hơn 100 triệu đồng/m2 nhưng bán tốt.

Còn theo lý giải của ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Hải Phát, quỹ đất ở Nha Trang không lớn lại phát triển theo mô hình đô thị nén, đất trung tâm thường là tập trung các khách sạn, nhà hàng và thương mại để kinh doanh. Giá đất trung tâm ngày càng trở nên đắt đỏ, và leo thang.

Do đó, những khu đô thị mới cách bờ biển trong bán kính 2 đến 3km sẽ rất tiềm năng cho phân khúc đất nền đô thị. Bởi người mua nhà có xu hướng dịch chuyển ra vùng ven.

Bên cạnh đó, theo ông Giang cùng với làn sóng di dân cơ học do làn sóng phát triển du lịch sẽ tăng cao. Đây là một xu thế tất yếu, kinh nghiệm như ở Hà Nội, cách đây 10 năm đất ở những quận như Hà Đông hay huyện Hoài Đức chỉ trên dưới 10 triệu đồng/m2 nhưng hiện tăng lên gấp 6-7 lần do đô thị hoá cao

Theo quan sát của ông Giang, những dự án cách bãi biển từ 2-3km sẽ là ‘mỏ vàng’ cho các nhà đầu tư. Thực tế, quỹ đất nền ở trung tâm thành phố đã hết, và đó cũng là nguyên nhân tại sao giá đất nền ở khu vực sân bay Nha Trang cũ lên tới 70-80 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, gọi là vùng ven nhưng nhiều khu vực chỉ cách bãi biển 2-3km và giá đất nền chỉ từ 7-15 triệu đồng/m2. Mức chênh lệch quá lớn, trong khi khoảng cách không lớn, là yếu tố nhà đầu tư có thể cân nhắc nhắm tới đất nền vùng ven Nha Trang.

Ông Giang đặc biệt lưu ý đến những dự án dọc đường Lê Hồng Phong ra sân bay và khu vực dự kiến sẽ xây dựng trung tâm hành chính mới của Khánh Hoà.

Nhật Minh

Theo Trí thức trẻ